Những Thắc Mắc Thường Gặp Khi Cho Bé Bú Mẹ

Những Thắc Mắc Thường Gặp Khi Cho Bé Bú Mẹ

Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sau sinh

HỎI: Hai vú của tôi luôn chảy sữa vào buổi tối, tôi phải làm gì đây?

ĐÁP: Bạn không nên lo lắng quá vì điều này là bình thường. Buổi tối là thời gian bạn có thể nghỉ ngơi, bởi con đã ngủ, đây là thời gian hai vú bạn chứa nhiều sữa hơn và có khi bạn giật mình vào nửa đêm với vùng ngực ướt sủng do chảy sữa. Để dễ chịu, bạn cần đeo áo ngực vừa khít và thêm vào vài tấm độn ngực trước khi ngủ.

HỎI: Hai vú của tôi căng sữa quá, tôi phải làm gì đây?

ĐÁP: Chuyện này cũng thường gặp, đặc biệt là sau khi sinh bé từ hai đến bốn ngày, khi lượng máu trên hai vú gia tăng và sữa được tạo nên. Hiện tượng này gọi là sự sung tụ. Có khi bạn cảm thấy mô vú rung động dai dẳng hay cảm giác như có khối u ở vú hoặc bị đau. 

Sự sung tụ còn có thể ảnh hưởng đến hai núm vú, làm cho chúng không thể trồi lên và con của bạn sẽ bú rất khó khăn. Nếu điều này xảy ra, bạn cần ngâm hai vú trong bồn nước ấm. Nếu vẫn chưa bớt nhiều, bạn hãy vắt bớt sữa bằng tay hay bằng máy. Đừng cố gắng vắt hết sữa, chỉ cần vắt bớt một ít thôi. Ngoài ra, bạn có thể cho bé bú thường xuyên trong mỗi giờ. Kết hợp xoa bóp vú nhẹ nhàng khi cho bé bú để kích thích sữa lưu thông, làm giảm sự sung tụ. Nếu đau nhiều, bạn có thể uống một đến hai viên paracetamol.

HỎI: Tại sao khi cho con bú tôi có cảm giác đau bụng giống như lúc chuyển dạ?

ĐÁP: Khi cho bé bú, bạn có thể có cảm giác này do hoạt động bú của bé kích thích phản ứng co hồi tử cung của bạn. Cụ thể, động tác bú trên núm vú người mẹ sẽ khuyến khích tuyến yên làm cho tuyến này tiết ra hormone oxytocin. Loại hormone này khiến tử cung co thắt, gây ra những cơ đau bụng dưới – còn gọi là đau hậu sản. 

Bạn không nên lo lắng về những cơn đau này vì chúng sẽ biến mất sau vài ngày cho bé bú. Sau đó, vì tử cung đã co hồi lại kích thước gần với kích thước bình thường nên dù hormone oxytocin vẫn tiếp tục được tiết ra thì bạn cũng sẽ không có cảm thấy đau nữa.


 

HỎI: Cho con bú có giúp thể hình của tôi đẹp lại sau khi sinh không?

ĐÁP: Cho bé bú sẽ góp phần giúp bạn lấy lại thể hình như trước khi sinh con. Có được điều này là nhờ quá trình cho bé bú khiến cơ thể bạn tăng mức chuyển hóa và tiêu tốn nhiều năng lượng hơn khi bạn cho bé bú bình.

Ngoài ra khi bạn cho bé bú, cơ thể bạn sẽ phóng thích ra một loại hormone thúc đẩy tử cung co hồi về mức bình thường nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn không nên quá hy vọng và nôn nóng, việc này đồi hỏi có thời gian và sự kiên nhẫn. Đừng tỏ ra thất vọng nếu sau khi sinh vài tuần mà tử cung vẫn chưa co hồi tốt. Cũng như không có gì đảm bảo là cơ thể của bạn sẽ trở về vóc dáng và cân nặng như trước khi mang thai.

HỎI: Tôi có cần ăn nhiều hơn trong thời gian cho con bú không?

ĐÁP: Trong thời gian cho con bú bạn cần ăn nhiều hơn trước khi có thai. Tính trung bình, mỗi ngày bạn cần thêm từ 500 đến 600 calo để duy trì việc tạo sữa, nếu sinh đôi hay sinh ba thì cần thêm nhiều hơn. Bạn chỉ cần ăn theo khẩu vị của mình; nhưng để cho bạn có một ý niệm thì 500 calo sẽ tương đương với một bữa ăn phụ. Nếu sinh đôi, bạn sẽ cần thêm tối thiểu là 1.000 calo. 

Thay cho các bữa ăn phụ, bạn có thể ăn nhẹ xen kẽ giữa các bữa ăn chính với các thức ăn bổ dưỡng chứa nhiều protein, carbohydrate và can-xi, ít chất béo. Bạn không nên bỏ bất cứ bữa ăn nào, ngay cả khi đang thừa cân.

HỎI: Tôi bảo quản sữa đã vắt bằng cách nào?

ĐÁP: Bạn nên bảo quản sữa đã vắt bằng cách cho sữa này vào trong bình đựng vô trùng, đặt trong tủ lạnh. Bằng cách này sữa có thể được bảo quản trong vòng 24 giờ. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng túi đá hay bình giữ lạnh để bảo quản sữa. Trước khi cho bé dùng, bạn cần làm nóng sữa này bằng cách dựng đứng bình trong một tô nước ấm.

HỎI: Xin cho biết cách tốt nhất để có nhiều sữa và duy trì lượng sữa để cho con bú?

ĐÁP: Cơ thể bạn sẽ tạo ra sữa theo nhu cầu của bé, do vậy, để có nhiều sữa và duy trì lượng sữa bạn nên cho bé bú bất cứ khi nào bé đói. 

Trẻ càng lớn sẽ cần càng nhiều chất dinh dưỡng nên bé nặng cân sẽ cần bú nhiều hơn bé nhẹ cân. Thư giãn khi cho bé bú cũng là một biện pháp quan trọng để có sữa tốt. Nếu bạn căng thẳng thì những phản xạ tạo sữa từ não (tuyến yên) truyền xuống bầu vú sẽ bị ức chế. Bên cạnh đó, sức khỏe của mẹ cũng có ảnh hưởng đến chất lượng sữa, vì vậy bạn cần phải biết cách tự chăm sóc bản thân. 

Trước hết bạn phải cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ, tốt nhất là nên nằm nghỉ vào buổi chiều, như thế sẽ làm tăng việc tiết sữa vào đầu buổi tối – thời gian mà lượng sữa giảm xuống rất thấp. Kế đến, bạn nên hoãn lại hay nhờ ai khác làm hộ các công việc cần vận động thể lực để tránh vận động quá mức, ngay cả khi bình thường bạn rất hay tập thể dục. Vì khi vận động nhiều sẽ dùng hết năng lượng của bạn và làm tăng lượng a-xít lactic trong sữa. 

Ngoài ra bạn nên uống nhiều nước và theo một chế độ ăn cân đối và đủ chất. Các bà mẹ cần ăn thành nhiều bữa đều đặn trong ngày. Bạn có thể cần giảm cân, nhưng đừng nên ăn kiêng, đây không phải là lúc cho bạn hạn chế lượng thức ăn đưa vào cơ thể.


HỎI: Liệu tôi có thể gia tăng thêm lượng sữa nếu tôi không đủ sữa cho con bú?

ĐÁP: Bạn có thể làm gia tăng thêm lượng sữa của mình. Cách tốt nhất là bạn cần phải nghỉ ngơi thật nhiều để cơ thể có thể tạo ra nhiều sữa hơn. 

Bạn thử ngủ thêm hoặc nằm nghỉ trên giường cả ngày và nhớ để bé luôn bên cạnh. Bạn nên nhờ ông xã, gia đình hay bạn bè thân làm những việc linh tinh thường ngày và quên chúng đi. Bạn cũng cần thật nhiều những đồ ăn ngon và bổ dưỡng, uống nhiều nước và cho bé bú càng nhiều càng tốt.

Làm theo những bước này, trong vòng 48 giờ, chắc chắn lượng sữa của bạn sẽ tăng lên.

HỎI: Khi cho con bú tôi cần kiêng cữ những loại thực phẩm hay nước uống nào?

ĐÁP: Nói chung, khi cho bé bú bạn không cần kiêng cữ loại thực phẩm nào cả, miễn là bạn ăn uống thận trọng, lành mạnh. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn có người bị dị ứng thì tốt nhất bạn nên tránh ăn hạt đậu phộng và dầu đậu phộng dưới bất kỳ hình thức nào. 

Điều này có thể giúp ngừa việc bé sẽ bị dị ứng với đậu phộng. Một số phụ nữ nhận thấy khi ăn những loại thực phẩm cay, các trái cây họ cam quýt, cải bắp hay các loại đậu,… sẽ làm bé bị rối loạn tiêu hóa, quấy khóc nhiều hơn, ợ hơi nhiều hơn và phân sệt hơn. Nước ép trái cây họ cam quýt cũng có thể gây nhiều phiền toái. Nếu bé của bạn cũng xảy ra hiện tượng này, bạn nên ngưng ăn những món này và theo dõi xem tình trạng của bé có được cải thiện chút nào không. 

Một số bà mẹ tin rằng hành và tỏi có thể làm mất sữa của mẹ, nhưng nếu bạn ăn những thứ này khi đã nấu chín kỹ thì sẽ không sao.





Mom Care: Dịch vụ chăm sóc sau sinh chuyên nghiệp tại nhà ở TPHCM