Cách chăm sóc sức khỏe sau khi sinh

Cách chăm sóc sức khỏe sau khi sinh

Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sau sinh

Sau khi con bạn chào đời, cơ thể của bạn bắt đầu khôi phục lại những gì đã thay đổi trong suốt thai kỳ khi sinh nở. Số lượng rất lớn các nội tiết tố khi có thai biến mất cũng đồng nghĩa là sức sống giảm đi, và giai đoạn ngay sau khi sinh nở gọi là thời kỳ hậu sản, có thể là một giai đoạn rất mệt mỏi cho bạn. Bạn hãy cố gắng nghĩ ngơi và thư giãn càng nhiều càng tốt và nên ăn uống bổ dưỡng cho sức khỏe. Các bữa ăn phải có đủ chất lỏng (uống tối thiểu 500ml sữa và khoảng 2 lít nước ngày, kể cả nước ép trái cây). Và nếu bạn cho bé bú mẹ, bạn cần chăm sóc tốt hai vú và hai đầu vú.

Vùng chậu

Sau lúc sinh, tử cung, cổ tử cung, âm đạo và vùng bụng của bạn bắt đầu co lại giống như lúc chưa mang thai. Tử cung nhỏ đi xảy ra đồng thời với chảy sản dịch từ âm đạo và những co thắt gọi là những cơn quặn sau khi sinh hoặc cơn co hậu sản.

Các cơn co quặn sau khi sinh

Các bà mẹ đều cảm nhận được các cơn co thắt của dạ con diễn ra từng chập (lúc có lúc không) suốt cuộc đời sinh nở của mình. Trong lúc hành kinh, cơn co thắt này được gọi là cơn quặn do kinh nguyệt, còn trong thai kỳ nó được gọi là cơn co thắt dạ con (còn có tên cơn co thắt Braxton hicks ) và sau khi sinh, cơn co thắt này được gọi là cơn quặn hậu sản. Sau khi bạn sinh xong, các cơn quặn đau thường mạnh hơn và đau hơn cả lúc bình thường bởi vì tử cung đang co trở xuống dưới để lấy lại kích thước trước khi có thai. Nó càng co thắt mạnh hơn và nhanh hơn chừng nào thì hầu như càng ít có khả năng xuất huyết hậu sản bấy nhiêu. Cơn đau bụng hậu sản thường rõ hơn, nếu trước đây bạn đã sinh rồi bởi vì các cơ tử cung trước đây đã bị  căng ra do lần có thai trước và do đó, lần này phải làm việc mạnh hơn để trở lại kích thước bình thường. Rất có thể bạn cũng cảm nhận các cơn đau cơ này xuất hiện lúc bạn đang cho bé bú, vì oxytocin có liên hệ đến phản ứng ép sữa cũng gây ra co thắt cử cung. Những cơn quặn đau như thế thường biến mất sau 3 hoặc 4 ngày.

Đường ruột và bàng quang

Sau khi sinh, bạn nên đi đại tiện ngay khi có thể. Tuy nhiên đường ruột đã được nhân viên y tế thông sạch trước lúc bạn sinh rồi, vì thế bạn có thể không cần đi trong 24h hoặc hơn và điều này thật bình thường. Khi đi cầu bạn có cảm giác thấy thúc rặn. Bất kỳ một áp lực nào đè lên tầng sinh môn sẽ làm căng các mô và bạn thấy đau nếu như bạn đã cắt tầng sinh môn. Để ngừa căng kéo bạn hãy dùng miếng gạc sạch giữ chặt vết khâu ấy và hơi đè lên phía trên trong lúc rặn. Nên thực hiện mọi cách để ngừa táo bón và ngừa da bị căng ra khi rặn. Nên ăn nhiều chất xơ, các loại rau củ, trái cây nhất là đu đủ, hồng chuối và uống thật nhiều nước.
Uống nhiều nước đứng dậy và đi bộ nhiều sẽ giúp cho đường ruột và bàng quang của bạn làm việc bình thường. Đầu tiên bạn đi tiểu hơi khó, nhưng sau đó sẽ dễ dàng. Không có gì làm bạn phải âu lo, nếu khi đi tiểu hơi bị gắt thì đó là do phần tầng sinh môn và các mô xung quanh bàng quang và lỗ tiểu còn hơi sưng một tí. Nếu bạn cảm thấy khó tiểu, hãy ngồi vào thau nước (ngâm mông) sẽ dễ tiểu hơn. Việc này không mất vệ sinh như bạn tưởng bởi vì nước tiểu vô trùng.


 

Cổ tử cung âm đạo

Những cơ quan này đã bị căng ra nhiều trong lúc chuyển dạ sinh và sẽ bị mềm và giãn ra một thời gian. Phải mất độ một tuần lễ để cổ tử cung của bạn thu hẹp và săn chắc lại một cách tự nhiên, không phải làm gì cả, nhưng bạn có thể phục hồi âm đạo của mình bằng cách co lại rồi giãn ra các cơ âm đạo. Bạn nên áp dụng bài tập này khoảng 24h sau khi sinh, bắt đầu tập co thắt 5 cái, một ngày 3 lần như thế, dần dần bạn nâng lên 10 lần một ngày. Bạn cũng có thể ứng dụng cho các bài tập cơ bụng, nhưng nên nhớ không nên tập khi còn sản dịch.

Vết mổ

Nếu bạn sinh mổ, bạn nên tránh các bài tập cho cơ bụng cho đến khi nào vết mổ đã lành hẳn. Tốt hơn, không nên khiêng đồ nặng, tránh không được lên cầu thang 2 lần 1 ngày, hãy cẩn thận lúc bạn di chuyển hay cử động lúc nhỏm dậy từ tư thế nằm hoặc ngồi và không bao giờ cố sức làm căng các cơ ở phần bụng, rất nguy hiểm.

Trĩ

Rất thường xảy ra sau khi sinh. Đó là do sự căng kéo quá mức các tĩnh mạch vùng đáy chậu trong lúc bạn chuyển dạ và sinh. Chúng xuất hiện như các vết sưng phồng bên trong hậu môn và nếu được chăm sóc đúng mức, cuối cùng chúng cũng lặn đi.

Kinh nguyệt và rụng trứng

Sự giảm sút hoàn toàn các nội tiết tố lúc mang thai sau khi sinh sẽ trả lại chu kỳ kinh nguyệt và rụng trứng, đôi khi bạn thấy có cơn lạnh hoặc nóng bừng( cả hai điều này đôi khi xuất hiện cùng môt lúc có thể làm cho bạn khó phân biệt). Chu kỳ kinh nguyệt thường bắt đầu trở lại một lúc nào đó trong khoảng tuần thứ 8 đến tuần thứ 16 sau khi sinh, nhưng cả kinh nguyệt lẫn sự rụng trứng rất có thể bị chậm lại nếu bạn cho bé bú mẹ. Tuy nhiên nếu bạn có ý định chăn gối trước khi thấy kinh, bạn buộc phải có biện pháp ngừa thai bởi vì chu kỳ rụng trứng sẽ đi trước chu kỳ kinh nguyệt.


 
Dr. Mirian Stoppard



Mom Care: Dich vu cham soc sau sinh tai nha chuyen nghiep o TPHCM