Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc mẹ bầu
Trong thời gian mang thai, nhu cầu canxi của người mẹ tăng cao, vì vậy, các bà bầu cầu chú ý bổ sung canxi cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. Song việc bổ sung canxi cần theo chỉ định của bác sĩ và được các bác sĩ theo dõi trong suốt thai kỳ, không tự ý bổ sung bằng thuốc có chứa canxi lợi bất cập hại.
Nhu cầu canxi của thai phụ tăng cao
Trong quá trình phát triển, thai nhi thường sử dụng canxi từ người mẹđể tạo xương cho sự lớn lên. Nhu cầu canxi ở thai phụ tăng lên theo thời gian quý I khoảng 800mg, quý II khoảng 1.000mg, quý III là 1.500mg - do hệ xương của bé ngày càng phát triển nên nhu cầu canxi của mẹ cũng tăng dần.
Thiếu vitamin D, cơ thể khó hấp thu canxi, vì vậy, cần tăng cường vitamin D để hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi.
Nhóm thực phẩm giàu canxi là tôm, cua, các loại sữa (bao gồm cả sữa chua), rau cần, súp lơ xanh...
Thiếu và thừa canxi đều có hại
- Thiếu canxi: thai nhi có thể bị còi xương, kém phát triển, biến dạng cấu tạo xương. Người mẹ có thể bị đau mỏi xương khớp, chuột rút, trường hợp nặng có thể co giật do hạ canxi máu.
- Thừa canxi: thai nhi có thể bị tăng canxi trong máu, khi ra đời, thóp bị kín quá sớm, xương hàm có thể bị biến dạng, rộng và nhô ra trước, không có lợi cho sức khỏe và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Khi mẹ bị thừa canxi, bánh nhau sẽ bị tăng độ canxi hóa, làm giảm trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi, làm thai kém phát triển. Người mẹ sẽ bị táo bón, khô miệng, đau đầu, tăng dấu hiệu khát, chán ăn, mệt mỏi, tăng nguy cơ bị sỏi đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận.
Hiện nay, các nhà sản xuất thường cho canxi vào các chế phẩm cho bà bầu như sữa, bánh quy, thực phẩm chức năng... Vì vậy, nhiều bà bầu ngoài bổ sung canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ còn dùng thêm rất nhiều loại sữa, bánh kẹo, thực phẩm chức năng giàu canxi... mà không lường hết được hậu quả do thừa canxi gây ra. Vì vậy, bổ sung canxi cần thận trọng và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ Bảo Thư (Theo Sức khỏe và đời sống)