Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc mẹ bầu
Bệnh lây qua đường tình dục (STIs) là vấn đề sức khỏe thường gặp và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Ở phụ nữ mang thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra nhiều nguy cơ cho thai kỳ bao gồm sẩy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân và bệnh lý về mắt ở trẻ sơ sinh.
Bệnh viêm nhiễm đường sinh sản
Bất kỳ bệnh viêm nhiễm nào liên quan đến đường sinh sản đều được gọi chung là bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, chủ yếu gặp 3 loại viêm nhiễm, đó là: viêm nhiễm cơ quan sinh sản trong; viêm nhiễm do điều trị và viêm nhiễm qua đường tình dục.
Viêm nhiễm cơ quan sinh sản trong là hậu quả của sự phát triển quá mức của các vi khuẩn thường ở bên trong âm đạo, bệnh dễ dàng được chữa khỏi. Viêm nhiễm do điều trị là bệnh lây truyền từ các thủ thuật lâm sàng không đảm bảo vệ sinh như nạo phá thai, đặt vòng hay trong quá trình sinh đẻ. Đáng lưu ý nhất là nhóm bệnh thứ 3 – bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Nhiễm khuẩn âm đạo không được coi là STI, nhưng là một bệnh khá phổ biến ở những phụ nữ có sinh hoạt tình dục. Nhiễm khuẩn âm đạo là kết quả của việc thay thế lactobacilli H2O2 bình thường trong âm đạo bằng các vi khuẩn kỵ khí Mobiluncus sp. và Gardnerella vaginalis, nguyên nhân phổ biến gây tiết dịch âm đạo ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, nhưng 50% bệnh nhân có thể không có triệu chứng. Viêm âm đạo do vi khuẩn có thể gây tăng nguy cơ sinh non, viêm nội mạc tử cung sau sinh và viêm vùng chậu.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Chlamydia trachomatis là một loại vi khuẩn nội bào với nhiều serotype, đây là vi khuẩn gây STI phổ biến và gây ra các biến chứng ở phụ nữ như nhiễm trùng tiết niệu, viêm vùng chậu, thai ngoài tử cung và vô sinh. Chlamydia làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và khả năng lây truyền từ mẹ sang con là rất cao tại thời điểm sinh con qua đường âm đạo, có thể dẫn đến viêm mắt và viêm phổi ở trẻ sơ sinh, viêm nội mạc tử cung sau sinh ở người mẹ.
Cách xử trí Chlamydia khi mang thai: Trong thời kỳ mang thai nếu có nguy cơ sinh non và vỡ ối sớm thì dù nhiễm Chlamydia ở cổ tử cung cũng không nên điều trị.
Các thuốc được sử dụng điều trị Chlamydia trong thai kỳ là azithromycin, erythromycin, amoxicillin. Không được sử dụng các thuốc tetracycline vì gây ảnh hưởng tới sự phát triển bất thường của xương và răng của trẻ sơ sinh. Cần phải điều trị cho cả chồng (bạn tình) để tránh khả năng lây nhiễm trở lại. Cần kiêng quan hệ tình dục ít nhất 7 ngày sau khi hoàn thành đợt trị liệu và cần phải tái khám sau 6 tuần.
Bệnh lậu là do vi khuẩn gram âm N. gonorrhoeae gây nên và có thể dẫn tới các di chứng nghiêm trọng như vô sinh, thai ngoài tử cung, đau vùng chậu mạn tính... Với phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu mà không được điều trị thì khả năng sinh non, vỡ ối sớm, nhiễm trùng ối và nhiễm trùng hậu sản… rất cao. Nếu sinh con qua đường âm đạo, bệnh lậu lây truyền cho trẻ sơ sinh các bệnh viêm mắt và nhiễm trùng hệ thống.
Điều trị như thế nào? Do bệnh nhân bị bệnh lậu thường bị nhiễm đồng thời với Chlamydia, nên việc điều trị cần phải phối hợp các kháng sinh. Tiêm bắp ceftriaxone nên được điều trị phối hợp với azithromycin. Azithromycin được khuyến cáo sử dụng kết hợp không phân biệt kết quả xét nghiệm có nhiễm Chlamydia hay không để ngăn chặn sự đề kháng kháng sinh nhóm cephalosporin. Cefixime uống kết hợp với azithromycin có thể thay thế cho ceftriaxone. Nhóm quinolone chống chỉ định sử dụng trong thai kỳ.
Bệnh giang mai gây ra bởi xoắn khuẩn Treponema pallidum. Biến chứng lâu dài của bệnh giang mai không được điều trị là các bệnh thần kinh, bệnh tim mạch và gummata (tổn thương da dạng u hạt). Mắc bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai có thể có hậu quả nghiêm trọng như sinh non, đa ối, thai nhi tử vong và giang mai bẩm sinh. Giang mai có thể được truyền cho em bé qua nhau thai bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.
Điều trị bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai nên ưu tiên sử dụng penicillin dạng tiêm cho các giai đoạn bệnh giang mai. Tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể.
Herpes sinh dục do hai loại HSV 1 và 2 có thể gây ra với biểu hiện các vết loét ở đường sinh dục. Các vết loét này cũng làm tăng khả năng lây nhiễm HIV.
Rủi ro chính của herpes sinh dục trong thai kỳ là mắc HSV trong 3 tháng đầu gây sẩy thai; 3 tháng giữa gây sinh non và 3 tháng cuối thì trẻ sơ sinh có thể mắc herpes.
Khi điều trị herpes sinh dục trong thai kỳ cần xác định tuổi thai tại thời điểm nhiễm herpes và phân loại nhiễm herpes mới mắc hay nhiễm herpes tái phát.
Herpes sinh dục mới mắc trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng giữa thì có thể điều trị acyclovir trong 3-5 ngày để làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng acyclovir cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa mức độ an toàn và cần thiết cho thai nhi. Sử dụng acyclovir dự phòng từ tuần thứ 36 thai kỳ cần được xem xét để giảm nguy cơ bùng phát HSV tại thời điểm chuyển dạ, cuối cùng là làm giảm nguy cơ mổ lấy thai.
Herpes sinh dục mới mắc phải trong 3 tháng cuối là thời điểm trẻ sơ sinh dễ nhiễm herpes nhất. Mẹ mắc herpes nhưng không thể tạo ra kháng thể IgG trước khi sinh và em bé sinh ra mà không có sự bảo vệ của miễn dịch thụ động. Vì vậy, khi mắc herpes sinh dục tại thời điểm chuyển dạ hoặc trong vòng 6 tuần kể từ ngày dự sinh nên được chọn phương pháp mổ lấy thai.
Human papilloma virus (HPV): Hiện có hơn 100 genotype HPV khác nhau trong đó khoảng 40 chủng thường gặp ở bộ phận sinh dục. Hầu hết các mụn cóc sinh dục lành tính, tuy nhiên, có một số chủng có thể gây ung thư.
Mụn cóc sinh dục có thể tăng kích thước và số lượng trong thời kỳ mang thai. Nhiễm HPV ở mẹ có liên quan với papillomatosis thanh quản tuổi vị thành niên ở trẻ sơ sinh. Đây là một tình trạng hiếm gặp, gây khàn giọng và suy hô hấp ở trẻ em.
Tương tự như ở những bệnh nhân không mang thai, điều trị thường do mục đích thẩm mỹ hơn là mục đích y tế trong đa số trường hợp. Điều trị chỉ thực sự cần thiết trong trường hợp các mụn cóc gây tắc nghẽn các ống sinh dục và cản trở sinh con qua đường âm đạo. Tất cả các phương pháp điều trị đều có tỷ lệ tái phát đáng kể. Phương pháp áp lạnh với nitơ lỏng an toàn để sử dụng trong thai kỳ.
Nhiễm trùng đơn bào do trùng roi T. vaginalis gây nên. Phụ nữ có thể có các triệu chứng tiết dịch âm đạo, khó tiểu và kích thích âm hộ. Nhiễm T. vaginalis trong thai kỳ có liên quan tới sinh non và trẻ nhẹ cân. Nhiễm trùng sơ sinh không phổ biến nhưng cần xem xét dịch tiết âm đạo hoặc bệnh hô hấp không rõ nguyên nhân ở trẻ sơ sinh. Dịch tiết mũi, dịch tiết khí quản, nước tiểu và các bệnh phẩm âm đạo của trẻ sơ sinh nên được kiểm tra Trichomonads chặt chẽ.
Khi nhiễm trùng đơn bào T. vaginalis lúc mang thai thì metronidazole là thuốc được lựa chọn và hiệu quả và an toàn trong ba tháng đầu thai kỳ, tuy nhiên nên tránh sử dụng liều cao.
PGS.TS.BS.Phạm Thị Lan ( Theo Sức khỏe và đời sống)