Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc phụ nữ mang thai
Những hóoc môn của thai kỳ có tác dụng đáng kể trên răng, tóc, móng và da vì vậy bạn đừng ngạc nhiên bởi sự xuất hiện của những thay đổi tạm thời này.
Răng: Progesterone làm cho nướu trở nên mềm hơn và dễ chảy máu hơn. Chăm sóc cẩn thận răng, nướu của bạn và bạn nên đi khám nha sĩ vào đầu thai kỳ. Trong trường hợp họ muốn chụp X-quang, bạn hãy luôn thông báo là mình đang có thai bởi tia X gây nguy hiểm cho phôi.
Tóc và móng: Tóc thẳng có thể trở thành quăn hoặc ngược lại. Tóc tăng trưởng và rụng đi theo các giai đoạn, thai kỳ thường kéo dài giai đoạn tăng trưởng làm cho tóc trở nên dày, bóng mượt, trong khi đó móng dày lại trở nên mỏng và dễ gãy. Điều đáng buồn là sau sinh bạn thường sẽ bị rụng tóc, mặc dù cuối cùng nó sẽ mọc trở lại. Dù móng dài ra nhanh chúng cũng trở nên giòn, dễ gãy hơn. Bạn hãy cắt móng ngắn và dùng các kem làm ẩm giúp chúng giữ ẩm.
Da: Oestrogen làm cho da bạn trở nên tuyệt vời trong thai kỳ nhưng thường da khô sẽ trở nên khô hơn và da nhờn thì trở nên nhờn hơn. Những mảng sắc tố (vết nám) thường xuất hiện trên mặt, cổ nhưng từ từ cũng mờ dần. Tất cả các vùng da trở nên sậm màu hơn, núm vú trở nên nâu hơn và xuất hiện một đường sậm màu ở bụng. Những mao mạch nhỏ giãn ra (nốt son) thường gặp ở mặt tuy nhiên cũng biến mất sau đó. Những dấu rạn da trên ngực, đùi và bụng rất thường gặp, chúng liên quan đến sự phá hủy protein ở da do nồng độ cao của các hooc môn thai kỳ.
Giải Quyết Tình Trạng Mệt Mỏi
Mệt mỏi là vấn đề thường gặp trong thai kỳ, nhất là trong ba tháng đầu và kéo dài từ sáu tới tám tuần. Bạn có thể ngạc nhiên về mức độ của nó, đặc biệt là trong những tuần đầu, bạn có thể thấy mình mệt mỏi đến mức gần như mất hết sinh lực. Do nồng độ cao của progesterone có tác dụng an thần nên bạn thường thấy buồn ngủ trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Chuyển hóa cơ thể tăng để đáp ứng với nhu cầu của thai nhi và do vậy hoạt động của tất cả các cơ quan điều phải tăng. Những tháng sau thai kỳ bạn mệt mỏi do toàn bộ cơ thể bạn phải làm việc hết sức suốt ngày và do trọng lượng tăng thêm làm tăng gánh nặng cho tim, phổi và cơ.
Các cách để giảm bớt mệt mỏi
Không bao giờ đứng khi bạn có thể ngồi, và không bao giờ ngồi khi bạn có thể nằm. Nếu có thể được, bạn nên gác chân cao khi ngồi – trong văn phòng bạn có thể gác chân lên sọt đựng giấy úp ngược xuống hoặc trên mọt cái hộp để bên dưới bàn. Tranh thủ ngủ bất cứ khi nào có thể. Khi bạn ở nhà, hãy lập kế hoạch có những giờ nghĩ ngơi cụ thể và không cho bất cứ điều gì phá hỏng nó, vài người thích ngã lưng sau giờ ăn trưa, những người khác thấy cần nghĩ ngơi vào lúc xế chiều hoặc chập choạng tối. Dậy muộn vào những ngày cuối tuần. Ngủ sớm ít nhất là ba lần mỗi tuần. Tìm cách giúp bạn buồn ngủ như xem ti vi hoặc đọc sách. Nằm nghĩ ngơi và nghe nhạc nhưng đừng vặn quá lớn do em bé có thể nghe được và khó ngủ.
Tìm những tư thế nghĩ ngơi khác nhau giúp bạn giảm mệt mỏi nhanh. Bạn có thể nằm trên sàn nhà kê đầu lên gối, trong khi gác chân lên giường, ghế và giữ cho đầu gối vuông góc hoặc bạn có thể áp dụng tư thế hồi sức như sơ cứu, tức là lót gối dưới đầu gối và phần trên cơ thể. Thư giãn: Hãy áp dụng bất cứ cách nào có thể giúp bạn thư giãn. Lúc bắt đầu, để đạt mục đích bạn có thể mất ít nhất ba mươi phút và khi bạn có thể tự thư giãn được trong vài giây nó sẽ làm bạn dễ chịu vô cùng. Trong những lớp học tiền sản, người ta sẽ dạy bạn cách thư giãn và đồng thời có nhiều quyển sách cũng như các băng hình hướng dẫn việc này. Nếu có thể, bạn nên thực hành với chồng mình, việc đó có lợi cho cả hai người và học cách thư giãn là phần quan trọng của hầu hết các kỷ thuật khống chế cơn đau một cách tự nhiên trong lúc chuyển dạ.
Dr. Mirian Stoppard